Hà Nội ưu tiên phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, hướng đến nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại
Với mục tiêu chung là hoạt động của các cơ quan nhà nước thuộc Thành phố đồng bộ, thông suốt, minh bạch, nhanh chóng, hiệu quả; đồng thời xác định trọng tâm tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
Ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Thành phố để đảm bảo sự chỉ đạo tập trung, toàn diện, thống nhất, đồng bộ công tác cải cách hành chính gắn với nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện chuyển đổi số quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ, từng bước xây dựng chính quyền số Thành phố, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ theo Chương trình số 01 của Thành ủy về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025”, Nghị quyết số 18 ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.Năm 2023, Thành phố tiếp tục chọn chủ đề công tác “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, xác định người dân, doanh nghiệp là trung tâm, đối tượng thụ hưởng của nền hành chính phục vụ; xác định sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo hiệu quả giải quyết công việc của cơ quan hành chính nhà nước từ Thành phố đến cơ sở.
Quán triệt nhận thức chung, nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã được triển khai, tổ chức thực hiện xuyên suốt, liên tục. Công tác cải cách thể chế được tập trung cao độ với việc chủ động xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. Thành phố ban hành các kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật, trong đó có kiểm tra thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai, kinh doanh dịch vụ văn hóa. Triển khai quyết liệt, đồng bộ giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Thành phố đã phối hợp Bộ Tư pháp hoàn chỉnh hồ sơ trình Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc Hội đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đến nay, 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế Một cửa, Một cửa liên thông. Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính được giám sát, kiểm soát chặt chẽ nên đã hạn chế tối đa nhũng nhiễu, chậm trễ. Thành phố đã triển khai Đề án mô hình Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính hiện đại các cấp; tạo lập thương hiệu Bộ phận Một cửa đồng bộ trên toàn địa bàn, hình thành môi trường làm việc thống nhất, thuận lợi, văn minh, hiện đại; ứng dụng công nghệ thông tin, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành; công khai, minh bạch tiến độ giải quyết hồ sơ; đồng thời nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa thông qua các dịch vụ công trực tuyến. Trong Quý I, Thành phố đã thông qua phương án đơn giản hóa 8 thủ tục hành chính; công bố danh mục 203 thủ tục, bãi bỏ 124 thủ tục; phê duyệt 215 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính. Các quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính sau khi ban hành, đã được công khai trên Cổng dịch vụ công Quốc gia theo quy định.
Bên cạnh đó, Thành phố rất quan tâm đến đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, đảm bảo hoạt động của các cơ quan nhà nước theo hướng đồng bộ, thông suốt và liên tục, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Thành phố đã hoàn thành việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các Sở; các Chi cục, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Thành phố, tập trung rà soát đồng bộ các nhiệm vụ giao thoa, chồng chéo nhằm tinh gọn bộ máy và hoạt động có hiệu quả. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền đối với các cơ quan, đơn vị đủ điều kiện. Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành 21 quyết định ủy quyền theo thẩm quyền đối với Thủ trưởng/Giám đốc các Sở, ban, ngành Thành phố; đồng thời chỉ đạo thực hiện thống nhất đối với các nội dung ủy quyền từ Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố cho cấp sở, cấp huyện; từ sở, ban, ngành cho các phòng, ban, đơn vị thuộc sở; từ Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện về các phòng, ban, đơn vị thuộc cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2022 - 2026 (giảm 5% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước) theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát danh mục vị trí việc làm, bản mô tả và khung năng lực vị trí việc làm. Thành phố yêu cầu100% cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về văn hóa giao tiếp, ứng xử, kỹ năng giải quyết công việc, nhất là đội ngũ công chức, viên chức tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý hồ sơ hành chính từ Thành phố tới cấp huyện, cấp xã.
Thành phố xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những đòn bẩy để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong hai tháng đầu năm 2023, toàn Thành phố đã thực hiện 3.069 tỷ đồng, đạt 6,5% dự toán, bằng 126,9% so với cùng kỳ. Để góp phần hoàn thành mục tiêu này, các đơn vị đã chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư, dự án, bảo đảm tiến độ thi công công trình; khẩn trương lập hồ sơ nghiệm thu, thanh toán ngay khi khối lượng công việc hoàn thành.
Thành phố ưu tiên phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cải cách hành chính; thể hiện qua Nghị quyết số 18 của Thành ủy đã định hướng 5 nhóm tiện ích đồng bộ với Đề án 06 của Chính phủ gồm: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Phục vụ công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Mục tiêu đến năm 2025, thực hiện chuyển đổi số phát triển Thủ đô theo hướng thông minh, hiện đại, Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Để hiện thực hóa những mục tiêu, tiện ích đó, Thành phố ưu tiên xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử, hoàn thành việc cập nhật Kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản mới nhất, xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung (LGSP).
Thành phố chỉ đạo tăng cường việc tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị trên Hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của Cổng dịch vụ công quốc gia, đường dây nóng (0243.934.6034), địa chỉ thư điện tử kiemsoatthutuchanhchinh@hanoi.gov.vn , qua tài khoản Zalo chính thức “Phản ánh kiến nghị thành phố Hà Nội”.Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính, cụ thể hóa tinh thần năm 2023 là “Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới” theo Nghị quyết số 01 ngày 6 tháng 1 năm 2023 của Chính phủ, những yếu tố cấu thành chính quyền điện tử, chính quyền số của thành phố Hà Nội đang ngày càng hiện diện rõ nét. Nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại đang ngày càng mang lại nhiều lợi ích hơn cho nhân dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển mạnh mẽ.
Thực hiện dịch vụ công trực tuyến là góp phần xây dựng và phát triển chính quyền số!
Ứng dụng định danh điện tử có giá trị sử dụng thay thế các giấy tờ truyền thống, định danh công dân trên môi trường kỹ thuật số, cung cấp các tiện ích phát triển công dân số, chính phủ số, xã hội số!
Nguồn: hanhtri.hanoi.gov.vn/thong-tin-tuyen-truyen/-/asset_publisher/HgNzlI7sMGQj/content/ha-noi-uu-tien-phat-trien-chinh-quyen-ien-tu-chinh-quyen-so-huong-en-nen-hanh-chinh-phuc-vu-chuyen-nghiep-hien-ai